Phần 1: TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY ( PHẦN 1)

 

PGS, TS. Trần Hải Minh

Phùng Danh Cường

 

  1. Khái niệm triết lý giáo dục

Bàn về triết lý giáo dục, trong tiếng Anh có thuật ngữ là philosophy of education, dịch sang tiếng Việt (hiện nay vẫn còn có những tranh luận xung quanh vấn đề này) là: triết học giáo dục hay triết học về giáo dục và triết lý giáo dục. Triết học giáo dục là những tư tưởng quan điểm cơ bản nhất để giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn giáo dục. Triết lý giáo dục coi giáo dục là giá trị sống và giáo dục mang lại cho con người cách thức để thực hiện các giá trị sống. Triết lý giáo dục biểu thị cái định hướng tư tưởng cơ bản trên thực tế chi phối toàn bộ quá trình giáo dục – đào tạo trong một thời kỳ nhất định (mục tiêu, nội dung, phương pháp), có thể được biểu đạt thành lời hoặc không.

Về triết lý giáo dục trong lịch sử thế giới, không thể không nhắc đến Khổng Tử, Xôcrát, Platon, Arixtốt thời cổ đại, hay Rútxô, C. Mác, Điuây, Anhxtanh… Đặc biệt, trong thời gian gần đây được quan tâm phải kể đến triết lý giáo dục của Wilhelm Humboldt nhà cải cách giáo dục người Đức cuối thế kỷ XVIII, John Dewey triết gia người Mỹ đầu thế kỷ XX…

Xuất phát từ tư tưởng nhân học của mình, Wilhelm Humboldt xây dựng triết lý giáo dục khai phóng. Ông đề cập đến sự cần thiết phải hạn chế vai trò của nhà nước trong giáo dục; mục đích duy nhất của giáo dục là kiến tạo và hình thành chính con người cá nhân. Con người không phải là khách thể của nhà nước mà là chủ thể có thể kiến tạo chính mình và tạo ra các điều kiện hình thành cho mình trong xã hội. Triết lý giáo dục của Humboldt được thể hiện đặc biệt ở mô hình giáo dục đại học khai phóng. Đó là: trường đại học chỉ là nơi thuần tuý của khoa học, tức là không phải là nơi bị ảnh hưởng của các mục tiêu và sự cho phép từ bên ngoài; yêu cầu cơ bản nhất trong triết lý giáo dục khai phóng của Humboldt là sự thống nhất giữa nghiên cứu và giảng dạy; nguyên tắc cơ bản trong triết lý giáo dục đại học khai phóng là: tự do khoa học và quyền tự trị dành cho đội ngũ giảng viên.

John Dewey cho rằng: Triết lý giáo dục không phải là sự áp dụng các tư tưởng có sẵn từ bên ngoài vào một hệ thống thực hành có nguồn gốc và mục đích khác biệt về cơ bản. Cốt lõi trong tư tưởng triết học thực dụng của John Dewey là lý thuyết về kinh nghiệm phải được hiện thực hoá thông qua thực nghiệm và hoà hợp với thực tiễn. Khoa học và dân chủ là hai nội dung lớn duy nhất có mối quan hệ biện chứng với nhau bao trùm trong triết lý giáo dục của John Dewey. Trên cơ sở phê phán các quan điểm phân loại trường học và phân biệt đối xử bất bình đẳng trong giáo dục truyền thống, John Dewey đưa ra nguyên tắc về một nhà trường cởi mở, có thể tiếp cận đối với tất cả mọi người và thống nhất đối với mỗi người, không phụ thuộc vào tình trạng tài sản, giới tính, chủng tộc, dân tộc. Để phát triển nền dân chủ, cần phải có một nhà trường như vậy, một nhà trường thực hiện những thay đổi căn bản trong toàn bộ hoạt động của mình sao cho đảm bảo bằng được sự thống nhất chặt chẽ giữa học tập và vận dụng kiến thức trong xã hội, giữa lý luận và thực tiễn.

Theo John Dewey: Triết lý giáo dục là lý luận giáo dục xét như một thực tiễn được thực hiện một cách có chủ tâm; giáo dục không chỉ như là quá trình truyền đạt mà chính là bản thân cuộc sống, nhà trường không tách rời khỏi xã hội và học trò là trung tâm của quá trình giáo dục; “Mục đích của giáo dục và sự trách nghiệm tối hậu cho giá trị của điều học được nằm ở việc sử dụng và vận dụng nó vào việc duy trì và cải thiện cuộc sống chung của tất cả”[1] hiện vẫn là ngọn đuốc soi đường cho giáo dục ở các xã hội dân chủ hiện nay.

Ở Việt Nam, vấn đề “triết lý giáo dục” được các nhà nghiên cứu đề cập khá nhiều trong hơn chục năm trở lại đây, tất nhiên không phải vì trong lịch sử nước ta không có triết lý giáo dục. Về cơ bản, các nhà nghiên cứu đều thừa nhận, trong lịch sử nước ta đã có triết lý giáo dục của một số nhà giáo dục, nổi bật có thể kể đến: Chu Văn An, Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu… và Hồ Chí Minh.

Trong Triết học giáo dục Việt Nam, Thái Duy Tuyên (2007) cho rằng: Triết học giáo dục là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu và vận dụng các phương pháp triết học để giải quyết các vấn đề về giáo dục, là những nguyên tắc phương pháp luận chủ yếu và chung nhất làm cơ sở cho việc nghiên cứu khoa học và cải tạo thực tiễn giáo dục. Còn triết lý giáo dục là những quan điểm phản ánh những vấn đề giáo dục thông qua con đường trải nghiệm từ cuộc sống để chỉ đạo sự suy nghĩ và hành động của con người về các vấn đề giáo dục [2]. Vai trò của triết lý và triết học giáo dục có tầm quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục, vì nó là những tư tưởng cốt lõi tạo nên bản sắc cho sự phát triển bền vững của nền giáo dục; là công cụ định hướng cho nhận thức và hành động; là phương tiện, cách thức để tiến hành các hoạt động giáo dục của con người.

Nguyễn Anh Tuấn (2012) trong Bàn về giáo dục “Tiên học lễ, Hậu học văn”, cho rằng: Triết lý giáo dục là tư tưởng chỉ đạo giáo dục công dân của một đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể nhằm đạt được những kỳ vọng của đất nước với từng công dân và trách nhiệm của công dân đối với đất nước[3].

Trong Triết lý giáo dục Việt Nam trong thời đại mới, Phạm Minh Hạc (2012) khẳng định giá trị bản thân là nét đặc trưng của triết lý giáo dục thời đại, lấy người tài làm đầu tàu, nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục là giúp thế hệ trẻ hình thành, phát huy giá trị bản thân – lực lượng bản chất – tâm lực, trí lực, thể lực của từng người. Giá trị bản thân là giá trị sống của mỗi người, gồm: tâm lực, trí lực, thể lực. Trong Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam, Phạm Minh Hạc (2013) viết: Triết lý giáo dục là thực tế giáo dục đã được con người, cộng đồng, xã hội trải nghiệm – cái đã trải qua và nghiệm thấy, tức là đã cảm nhận, biết đến, hiểu ra, ý thức được – được đúc kết lại thành một giá trị được biểu đạt trong câu ngắn gọn, ca dao, tục ngữ, cụm từ… nhằm truyền đạt, tiếp thu và thể hiện trong cuộc sống, mang lại một giá trị nhất định cho con người, cộng đồng, xã hội, duy trì và làm này nở cái đúng, tốt đẹp, ngăn ngừa, sửa chữa, loại trừ cái sai, cái ác, cái xấu[4].

Song Thành (2016) trong Quán triệt hơn nữa triết lý giáo dục Hồ Chí Minh vào đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay, cho rằng: Triết lý giáo dục, hiểu theo nghĩa rộng, là những quan điểm, những nguyên lý nền tảng chỉ đạo việc xác lập mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy và học, hệ giá trị cần vươn tới, cách tổ chức và con đường xây dựng, phát triển nền giáo dục của một quốc gia.

Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả giáo dục – đào tạo, Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp…”. Đây là một quan điểm có tính đột phá thể hiện triết lý giáo dục của Đảng ta hiện nay, mặt khác Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI tiếp tục khẳng định: Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Trong đó, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Có thể khẳng định, đây là những nội hàm quan trọng của triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay, cần thiết có sự quán triệt cụ thể vào từng đơn vị trường học, từng ngành đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay.

Từ những trình bày ở trên, theo chúng tôi triết lý giáo dục là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của nhà nước hoặc các đơn vị, tổ chức giáo dục cụ thể nào đó (hoặc thậm chí 1 cá nhân) đối với việc giáo dục – đào tạo trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể nhằm đạt được mục tiêu, kỳ vọng của đất nước với từng công dân và trách nhiệm của họ đối với sự nghiệp phát triển đất nước và xã hội.

Có thể nói triết lý giáo dục bao giờ cũng mang tính lịch sử cụ thể, trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau sẽ có mục tiêu, định hướng khác nhau đối với giáo dục nhằm phục vụ trực tiếp cho sự tiến bộ của công dân và phát triển đất nước; triết lý giáo dục phải được xây dựng từ chính thực tiễn của từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với hoàn cảnh môi trường hợp thành của giai đoạn ấy. Đặc biệt, không thể áp dụng triết lý giáo dục của dân tộc này cho dân tộc khác, hay của giai đoạn lịch sử này cho giai đoạn lịch sử khác hoặc ngay cả trong từng đơn vị, tổ chức giáo dục – đào tạo ở mỗi ngành, lĩnh vực khác nhau đều có sự khác nhau. Vì vậy, triết lý giáo dục chỉ có thể đúng đắn và phát huy được tác dụng chỉ đạo giáo dục – đào tạo khi nó phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, môi trường và điều kiện, mục tiêu cụ thể của mỗi nước, dân tộc hoặc đơn vị, tổ chức nhất định nào đó mà thôi.

Triết lý giáo dục của một đất nước sẽ là định hướng căn bản cho triết lý giáo dục của các đơn vị, tổ chức giáo dục cụ thể trong đất nước đó. Tuy nhiên, căn cứ vào mục tiêu giáo dục – đào tạo của từng đơn vị, tổ chức trong những giai đoạn lịch sử cụ thể để điều chỉnh triết lý giáo dục của đơn vị mình cho phù hợp với thực tiễn, nhằm hướng đến những kỳ vọng, mong mỏi của đơn vị, tổ chức đối với mỗi công dân trong việc đóng góp trí tuệ, sức lực, trách nhiệm bản thân cống hiến cho đơn vị, tổ chức và trên hết là đất nước mình.

[1] John Dewey về giáo dục, Nxb Trẻ, Tp HCM 2012, tr.65.

[2] Thái Duy Tuyên (2007) Triết học giáo dục Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội 2007, tr.10-12.

[3] Bàn về giáo dục “Tiên học lễ, Hậu học văn”, Nxb Văn hoá – Thông tin, 2012, tr.215.

[4] Phạm Minh Hạc (2013), Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2013, tr.36.

Còn tiếp…...

Phần 2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *