(PHẦN 2) TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (PHẦN 2)

 PGS, TS. Trần Hải Minh

Phùng Danh Cường

2. Tình hình xây dựng triết lý giáo dục của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay

Trong hơn 10 năm trở lại đây, việc nghiên cứu và xây dựng triết lý giáo dục cho Việt Nam nói chung và cho các trường đại học ở Việt Nam nói riêng đã được tiến hành một cách công phu, nghiêm túc với sự tham gia của nhiều cấp trong ngành giáo dục và các nhà khoa học, nhà giáo trên cả nước. Tiêu biểu như những công trình nghiên cứu của GS. Phạm Minh Hạc về triết lý giáo dục Việt Nam và thế giới. Hay gần đây có công trình nghiên cứu cấp nhà nước của nhóm nghiên cứu gồm nhiều nhà khoa học nổi tiếng Việt Nam (trong đó nòng cốt thuộc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam đáp ứng bối cảnh mới của sự phát triển đất nước. Những kết quả nghiên cứu này đã đóng góp không nhỏ vào việc định hình một cách ngày càng rõ ràng hơn triết lý giáo dục Việt Nam đương đại trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập. Điều này được thể hiện trong Luật Giáo dục 2019 mới được Quốc hội thông qua (tập trung nhất từ điều 2 đến điều 4).[1]

“Điều 2. Mục tiêu giáo dục

Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Điều 3. Tính chất, nguyên lý giáo dục

1. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.

2. Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Điều 4. Phát triển giáo dục

1. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu.

2. Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng.

3. Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.”

Trích Luật Giáo dục 2019, Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019.

 

Có thể nói những triết lý cơ bản của giáo dục Việt Nam hiện nay đã được thể hiện trong luật này. Do đó, đây chính là định hướng quan trọng cho các trường đại học trong việc xây dựng và thực hành triết lý giáo dục của mình trong thời gian tới.

Đó là ở tầm vĩ mô, quản lý giáo dục cấp quốc gia. Còn ở cấp độ các trường đại học, cao đẳng thì quá trình nghiên cứu, xây dựng và áp dụng triết lý giáo dục của từng trường một cách chính thức và rộng rãi cũng đã được quan tâm từ nhiều năm trở lại đây. Đề tài này đã thực hiện một thống kê về các trường đại học công bố triết lý giáo dục thì nhận thấy có trường đại học đã công bố triết lý giáo dục của mình từ cách đây 10 năm. Và sau đó có điều chỉnh những nội dung của triết lý giáo dục trong quá trình áp dụng (sau 5 năm áp dụng). Hơn nữa, mặc dù có những trường vẫn chưa chính thức công bố triết lý giáo dục của mình nhưng không có nghĩa là các trường đó không vận hành theo một triết lý giáo dục nào. Điều này được thể hiện trong chiến lược phát triển, tầm nhìn và sứ mệnh của từng trường.

Thực hiện khảo sát về triết lý giáo dục của các trường đại học Việt Nam được công bố trên mạng internet, đề tài đã khảo sát những nội dung chứa đựng (trực tiếp hoặc gián tiếp) triết lý giáo dục của 36 trường đại học trên cả nước. Điều đó cho thấy nhiều trường đại học ở Việt Nam đã thể hiện quan tâm đến việc xác định và xây dựng triết lý giáo dục của mình một cách chủ động và công bố rộng rãi để người học và công chúng nắm được.

Thông qua khảo sát có thể thấy một số nét chung về triết lý giáo dục của các trường đại học ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, các trường đại học, căn cứ vào sứ mạng/chức năng, nhiệm vụ cũng như đặc thù của trường (loại hình, lĩnh vực) và địa phương, khu vực đã xây dựng nên triết lý giáo dục phù hợp với trường đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của trường trong tương lai. Đây là nội dung thể hiện TẦM chiến lược của các trường đại học để hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững. Cụ thể như nhiều trường đại học lựa chọn triết lý giáo dục khai phóng hướng đến tự do học thuật, tự chủ và trách nhiệm giải trình, dân chủ, sáng tạo. Đây cũng là một xu hướng của giáo dục đại học thế giới hiện đại (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại Thương, Đại học Việt Nhật, Đại học An Giang,…). Hay nhiều trường lựa chọn triết lý giáo dục vì cộng đồng (phụng sự, phục vụ cộng đồng) như một phương châm phát triển của trường. Điều này sẽ phát huy tính nhân dân, tính đại chúng của giáo dục đại học (Đại học Bình Dương, Đại học Khoa học tự nhiên tp Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ thông tin thuộc ĐHQG tp Hồ Chí Minh, Đại học quốc tế Miền Đông,…). Hay nhiều trường chọn tính nhân văn/ nhân bản làm triết lý giáo dục của mình, đề cao giáo dục để làm người, đây cũng là một xu hướng phù hợp với bối cảnh xã hội đang đối mặt với những vấn đề của sự tha hóa nhân tính/đạo đức, sự phi nhân bản đang có xu hướng gia tăng (Đại học Quốc tế miền Đông, Đại học Duy Tân, Đại học Sư phạm Kỹ thuật tp Hồ Chí Minh,…).

Thứ hai, đa phần triết lý giáo dục của các trường có xu hướng tích hợp, kế thừa có chọn lọc nhiều giá trị khác nhau từ các triết lý giáo dục hiện đại trên thế giới cũng như truyền thống Việt Nam chứ ít trường chỉ tập trung vào 1 triết lý đơn nhất chủ đạo. Điều này cũng phù hợp với tính đa dạng, phong phú của các xu hướng phát triển giáo dục đại học đương đại. Nhưng điều này cũng đặt ra vấn đề nếu trường lựa chọn triết lý từ quá nhiều nguồn có thể dẫn đến sự phân tán, mất tính trọng điểm và chưa thể hiện được “trục” phát triển của trường. Do đó, đây cũng là vấn đề cần lưu ý khi chọn lựa, xây dựng triết lý giáo dục của trường. Ví dụ, lựa chọn tinh hoa hay đại chúng, toàn diện hay chuyên sâu, nghiên cứu đỉnh cao hay phụng sự cộng đồng? Nếu các trường chọn triết lý không phù hợp có thể dẫn đến chệch mục tiêu hoặc không đủ nguồn lực để thực hiện mục tiêu. Điều này rất cần cái nhìn tổng thể, sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục ở cấp quốc gia, quốc tế để khuyến khích các trường hướng đến những mục tiêu cụ thể khác nhau nhưng cùng kiến tạo nên mục tiêu chung của sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam, để chúng ta có thể đạt được sự phát triển ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới.

Thứ ba, về sự thể hiện triết lý giáo dục. Hầu hết trong số 36 trường được khảo sát đều chính thức tuyên bố triết lý giáo dục của mình trên website/cổng thông tin, bằng cả các quyết định hành chính chính thức. Một số trường khác thể hiện triết lý giáo dục của mình trong Sứ mạng, Tầm nhìn, Giá trị cốt lõi và Chiến lược phát triển. Việc tuyên bố chính thức và giải thích tường minh sẽ giúp các trường định hướng các hoạt động theo các triết lý giáo dục của mình thuận lợi hơn. Đây cũng là xu hướng nên khuyến khích trong thời gian tới. Điều này sẽ thể hiện tính chuẩn mực, chuyên nghiệp và hội nhập sâu hơn nữa của các trường đại học Việt Nam hiện nay, đáp ứng các chuẩn mực, yêu cầu của kiểm định và đảm bảo chất lượng quốc tế.

Thứ tư, những quan điểm/triết lý chủ yếu được các trường lựa chọn làm triết lý giáo dục của mình tập trung vào một số nội dung thể hiện qua bảng sau:

Bảng 1: Một số nội dung chủ yếu được đề cập trong triết lý giáo dục của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay (khảo sát 36 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, thời điểm: tháng 6-9/2019)

TT Nội dung triết lý
1 Giáo dục tinh hoa: Vì sự khai sáng cho nhân loại/ Xây dựng đại học nghiên cứu hàng đầu
2 Giáo dục toàn diện
3 Giáo dục mở
4 Giáo dục khai phóng: tự do, dân chủ, sáng tạo
5 Học tập suốt đời
6 Lấy người học làm trung tâm
7 Hội nhập/ Đa văn hóa
8 Sáng tạo/ Đổi mới/ Đổi mới sáng tạo
9 Phát triển bền vững
10 Phụng sự / Phục vụ cộng đồng
11 Cộng đồng
12 Chất lượng/ Thực học
13 Hiệu quả
14 Chuẩn mực
15 Chuyên nghiệp
16 Thực tiễn/Học đi đôi với hành/Đào tạo gắn liền với thực nghiệm
17 Nhân ái/Nhân văn/Nhân bản
18 Hợp tác/ Đoàn kết/ Cộng học
19 Trung thực
20 Dân chủ – Kỷ cương
21 Kiến tạo/ Cùng nhau kiến tạo cơ hội/ Tạo lập tương lai/ Học vì ngày mai lập nghiệp
22 Tự học/ Tự học, làm việc, sáng tạo
23 Học cho bản thân, Học vì đất nước, Học để đổi mới sáng tạo và hội nhập
24 Thái độ – Kỹ năng – Kiến thức
25 Học – Hỏi – Hiểu – Hành
26 Nâng cao tính cạnh tranh trong môi trường đa văn hóa

Như vậy, có thể thấy triết lý giáo dục của các trường thường chọn lựa một số giá trị (tự do, dân chủ, sáng tạo, nhân văn,…) hoặc một số nguyên tắc giáo dục lớn (học suốt đời, tự học, lấy người học làm trung tâm,…) hoặc một số mục tiêu lớn (đại học nghiên cứu hàng đầu, Khai sáng cho nhân loại),… để xây dựng nên triết lý giáo dục của mình. Tiếp cận từ góc độ nào thì hệ thống triết lý này cũng giúp cho các trường định hướng, chỉ đạo tốt hơn cho sự phát triển của mình nhằm đạt được những mục tiêu của Trường cũng như đóng góp vào mục tiêu chung của giáo dục đại học quốc gia và thế giới.

Nói tóm lại, trên bình diện tổng thể, những nội dung của triết lý giáo dục được các trường đại học Việt Nam chọn lựa hiện nay đã thể hiện sự kế thừa có chọn lọc, sự vận dụng và phát triển những tinh hoa của triết lý giáo dục thế giới đương đại, trong đó có những triết lý có cơ sở trực tiếp từ triết học giáo dục hiện đại. Điều này thể hiện sự hội nhập chủ động và tích cực của giáo dục đại học Việt Nam với thế giới. Đây là xu hướng tích cực cần khuyến khích trong quá trình xây dựng triết lý giáo dục của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, để hình thành vững chắc hơn và thực sự đưa  được những triết lý giáo dục này vào sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam rất cần đi sâu vào nghiên cứu nền tảng lý luận của những triết lý này, để từ đó thấy được sự hình thành các triết lý trong tính chỉnh thể của nó. Đây là yêu cầu quan trọng để có một tư duy sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về giáo dục nói chung và triết lý giáo dục nói riêng.

          Tài liệu tham khảo:

  1. John Dewey, Về giáo dục, Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2012.
  2. Thái Duy Tuyên (2007) Triết học giáo dục Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội 2007.
  3. Bàn về giáo dục “Tiên học lễ, Hậu học văn”, Nxb Văn hoá – Thông tin, 2012.
  4. Phạm Minh Hạc (2013), Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2013

5. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

setTimeout(() => { // jQuery('#breadcrumbs>span>span>span>span').remove(); }, 2000);