Quy định mới nhất về việc xin visa học nghề tại Đức.
Theo điều 17 Luật Cư trú Đức người nước ngoài có thể được cấp giấy phép cư trú cho mục đích đào tạo nghề nghiệp và đào tạo nâng cao.
Đề nghị Quý vị nộp những giấy tờ sau:
Đề nghị Quý vị nộp bản gốc và hai bản photo không công chứng những giấy tờ sau. Đề nghị Quý vị soạn những giấy tờ photo thành hai bộ hồ sơ đầy đủ. Sau khi xét duyệt xong hồ sơ của Quý vị, Quý vị sẽ nhận lại các bản gốc.
Đề nghị Quý vị nộp kèm bản dịch tất cả những giấy tờ không bằng tiếng Đức (trừ những giấy tờ bằng tiếng Anh).
Đề nghị Quý vị sắp xếp các bộ hồ sơ theo thứ tự sau đây:
1. Hộ chiếu có giá trị, bản chính kèm theo hai bản sao không công chứng trang có thông tin nhân thân;
2. Hai ảnh hộ chiếu sinh trắc học (Hướng dẫn về ảnh chụp xin cấp thị thực);
3. Hai tờ khai xin cấp thị thực dài hạn khai đầy đủ;
4. Lý lịch theo trình tự thời gian liên tục bằng tiếng Đức;
5. Bản viết lý giải động cơ: Bản viết cần phải cung cấp thông tin. Tại sao Quý vị muốn được đào tạo trong nghề này. Đề nghị Quý vị cũng cho biết, việc học nghề này phù hợp với quá trình đào tạo và nghề nghiệp từ trước đến nay của mình như thế nào.
6. Bằng tốt nghiệp phổ thông và bằng nghề hoặc bằng đại học nếu có;
7. Xác nhận về những kiến thức đã có trong chuyên ngành muốn được đào tạo: Đặc biệt là các giấy tờ xác nhận đã học nghề, thực tập hay học đại học tại Việt Nam ít nhất 6 tháng hoặc lâu hơn;
8. Giấy tờ về tình trạng gia đình: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc giấy chứng nhận kết hôn (đã được hợp pháp hóa lãnh sự); trong trường hợp đã có con thì nộp thêm giấy khai sinh của con (đã được hợp pháp hóa lãnh sự) (Link tới trang thông tin về hợp pháp hóa lãnh sự);
9. Xác nhận về khóa học tiếng Đức: Đề nghị Quy vị lưu ý là kể cả đi học tiếng trước khi đào tạo nghề thì khi xin thị thực cũng phải chứng minh được ít nhất có trình độ tiếng Đức B1 (xem mục 14). Phải xuất trình những xác nhận sau đây:
- Thông tin về khóa học tiếng Đức định sang học: Khoảng thời gian học (thông thường là 6 tháng), số giờ học và nếu có thể cả nội dung học, học phí, địa điểm học;
- Chứng minh đã trả tiền học;
- Văn bản đồng ý trước của Cơ quan lao động liên bang Đức (Bundesagentur für Arbeit) nêu ở mục 11 dưới đây không cần phải nộp ngay đối với trường hợp sang học khóa tiếng Đức trước, mà có thể xin cấp sau khi đã nhập cảnh vào Đức. Tuy nhiên muộn nhất vào thời điểm bắt đầu đào tạo nghề, Quý vị phải có văn bản đồng ý này;
10. Xác nhận về khóa đào tạo nghề dự kiến:
- Nộp hợp đồng đào tạo thực hành với cơ sở đào tạo thực hành tại Đức có chữ ký của các bên;
- Hợp đồng đào tạo lý thuyết với trường dạy nghề hoặc chứng nhận giữ chỗ học tại trường dạy nghề hay xác nhận đăng ký chỗ học tại trường dạy nghề. Trường hợp phải trả học phí: Thông tin về mức học phí và hình thức trả học phí;
11. Văn bản đồng ý trước của Cơ quan lao động liên bang Đức (Bundesagentur für Arbeit):
Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị Quý vị nên có sẵn văn bản đồng ý trước của Cơ quan lao động liên bang Đức khi đến nộp hồ sơ xin cấp thị thực. Bên sử dụng lao động tại Đức có thể xin được giấy này từ cơ quan lao động có thẩm quyền. Thông tin cụ thể cho bên sử dụng lao động có trên trang web của Cơ quan lao động liên bang Đức (https://www.arbeitsagentur.de/unternehmen/arbeitskraefte/fachkraefte-ausland);
12. Chứng minh có đủ khả năng tài chính đảm bảo chi phí sinh hoạt:
- Phải chứng minh khả năng tài chính cho thời gian học khóa tiếng Đức ít nhất 853 Euro một tháng (mức cũ được áp dụng đến ngày 31/08/2019 là 720 Euro một tháng)
Khi kiểm tra khả năng đảm bảo chi phí sinh hoạt, Phòng Thị thực căn cứ vào mức tiền được lấy làm cơ sở để tính toán trên toàn liên bang. Mức tiền đó hiện nay là 800 Euro một tháng chưa trừ phí tổn.
Trong thủ tục thị thực, mức lương ghi trong hợp đồng đào tạo thực hành sẽ được xét đến trước tiên để đánh giá khả năng đảm bảo chi phí sinh hoạt.
Nếu trình được bằng chứng về việc cơ sở đào tạo thực hành sẽ chu cấp ăn và/hoặc ở, hay có nơi ở với giá rẻ (ví dụ: ký túc xá cho học sinh học nghề), thì mức tiền nêu trên có thể sẽ được bớt đi 150 Euro.
Nếu lương đào tạo không đủ để đảm bảo chi phí sinh hoạt thì học viên phải trình Phòng Thị thực giấy tờ chứng minh có đủ khả năng tài chính đảm bảo chi phí sinh hoạt trong thời gian học nghề. Học viên Việt Nam có thể bù số tiền còn thiếu để đạt được mức tiền nêu trên bằng cách nộp giấy chứng nhận về việc được hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình khuyến khích học nghề hoặc trình xác nhận có tài khoản phong tỏa (Link tới trang thông tin về tài khoản phong tỏa của Bộ Ngoại giao Đức).
Ví dụ về cách tính số tiền còn thiếu:
Lương đào tạo trong năm thứ nhất:
720 Euro/tháng chưa trừ phí tốn thì số tiền còn thiếu mỗi tháng là 80 Euro, tính cả năm: 960 Euro
Lương đào tạo trong năm thứ hai:
780 Euro/tháng chưa trừ phí tốn thì số tiền còn thiếu mỗi tháng là 20 Euro, tính cả năm: 240 Euro
Lương đào tạo trong năm thứ ba:
800 Euro/tháng chưa trừ phí tốn thì là không thiếu!
Tổng số tiền còn thiếu là: 1200 Euro, có thể chứng minh bằng cách nộp giấy chứng nhận được hỗ trợ từ ngân sách công hay xác nhận có tài khoản phong tỏa. Trường hợp có tài khoản phong tỏa thì số tiền được phép rút ra mỗi tháng không được vượt quá số tiền lớn nhất còn thiếu mỗi tháng, ở ví dụ này là 80 Euro một tháng;
13. Chứng minh trình độ tiếng Đức, ít nhất đạt trình độ bậc B1
Để chứng minh trình độ tiếng Đức người nộp đơn cần trình chứng chỉ ngoại ngữ do một cơ sở tổ chức thi được cấp phép theo tiêu chuẩn của Hiệp hội khảo thí ngôn ngữ châu Âu (ALTE: Association of Language Testers in Europe) cấp.
Những chứng chỉ ngoại ngữ được công nhận hiện nay là:
a) Chứng chỉ ngoại ngữ của Viện Goethe e.V.
b) Chứng chỉ ngoại ngữ của telc GmbH.
c) Chứng chỉ ngoại ngữ của Áo (ÖSD).
d) Chứng chỉ “TestDaF” của Viện TestDaF e.V. (Viện Đại học Từ xa Hagen và Đại học Ruhr Bochum, chỉ kiểm tra trình độ từ bậc B2 GER).
Chứng chỉ ngoại ngữ không được cũ hơn 12 tháng tại thời điểm nộp hồ sơ.
Sau khi đã tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao Đức, từ tháng 06/2016 Phòng Thị thực Đại sứ quán Đức tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra yêu cầu cao hơn về kiến thức tiếng Đức đã có của người nộp đơn xin cấp thị thực cho mục đích đi đào tạo nghề tại Đức. Về nguyên tắc người nộp đơn xin cấp thị thực cho mục đi đào tạo nghề phải chứng minh trình độ tiếng Đức tối thiểu bậc B1;
14. Chứng nhận có bảo hiểm y tế đầy đủ trong thời gian lưu trú:
Nếu tham gia khóa đào tạo thực hành thì Quý vị được tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc kể từ khi bắt đầu khóa đào tạo. Trong những trường hợp như vậy không cần nộp chứng nhận có bảo hiểm y tế.
Đối với trường hợp chỉ tham gia khóa đào tạo lý thuyết thì trong xác nhận bảo hiểm phải nêu rõ là bảo hiểm cho toàn bộ thời gian lưu trú để học nghề tại Đức. Nếu không nêu rõ thì phải nộp thêm xác nhận của cơ quan bảo hiểm y tế về việc này.
Thông tin bổ sung: Nếu được cấp thị thực, người sở hữu giấy phép cư trú được phép làm thêm công việc khác không phụ thuộc chương trình đào tạo nghề, với thời gian tối đa 10 tiếng một tuần.
Nguồn: https://vietnam.diplo.de/vn-vi/dichvulanhsu/05-VisaEinreise/-/2237464